Lễ hội Thiết kế Sáng tạo Hà Nội 2023: Khơi dòng di sản văn hóa dọc sông Hồng

VHO- Với chủ đề “Dòng chảy”, Lễ hội Thiết kế Sáng tạo Hà Nội 2023 những ngày này đang khơi gợi xúc cảm tò mò của công chúng. Đánh thức những di sản dọc sông Hồng, kết nối và tôn vinh giá trị chuyển dịch mới từ nền tảng di sản và cộng đồng sáng tạo, Lễ hội sẽ diễn ra từ 17 - 26.11 tại địa chỉ mang nhiều dấu ấn hoài niệm của Hà Nội là Nhà máy Xe lửa Gia Lâm cùng nhiều địa điểm khác trên địa bàn thành phố.

Lễ hội Thiết kế Sáng tạo Hà Nội 2023: Khơi dòng di sản văn hóa dọc sông Hồng - Anh 1

 Nhà máy Xe lửa Gia Lâm sẽ trở thành không gian sáng tạo với nhiều hoạt động đặc sắc tại Lễ hội Thiết kế Sáng tạo 2023

Sở VHTT Hà Nội cho biết, với hơn 60 hoạt động văn hóa sáng tạo, lễ hội được kỳ vọng sẽ mang tới cho người dân nhiều trải nghiệm mới mẻ, từ những di sản văn hóa dọc bên bờ sông Hồng để tạo nên các không gian nghệ thuật sáng tạo đặc sắc.

Những sáng tạo bất ngờ

Bất ngờ đầu tiên là ý tưởng “biến” tháp nước Hàng Đậu trở thành một không gian văn hóa. Trải qua hơn một trăm năm thăng trầm, lặng lẽ chứng kiến sự phát triển của Thủ đô, tháp nước Hàng Đậu được nhóm thiết kế dự án cải tạo thành một không gian nghệ thuật, đánh thức các di sản, hòa nhịp cùng dòng chảy đô thị mới. Triển lãm khai mạc ngày 17.11.

Ăn sâu trong tiềm thức người dân Hà Nội với tên gọi bốt Hàng Đậu, công trình cũ kỹ, vốn không sử dụng từ nhiều năm này đã và đang được cải tạo, sắp đặt để trở thành một không gian nghệ thuật giàu chất sáng tạo. Lần đầu tiên, công chúng Thủ đô và du khách sẽ được trải nghiệm bên trong công trình với những thiết kế, bài trí lung linh chưa từng có. Tháp nước Hàng Đậu được xây dựng vào năm 1894, là một trong những công trình kiến trúc cổ của Hà Nội do người Pháp xây dựng để phục vụ việc cung cấp nước sạch cho binh lính và công dân của họ trong thời gian Pháp đô hộ tại Hà Nội. Có hình trụ tròn, đường kính 19m, cao 3 tầng, mái có hình chóp nón, ở giữa là cột thu lôi, tháp có đài nước khổng lồ bằng thép dung tích 1.250m3, yên vị trên đỉnh 8 bức tường đá. Hệ thống đường ống dẫn lên, xuống với những chiếc van bằng sắt vẫn nguyên vẹn, phủ đầy bụi. Qua năm tháng, tháp nước Hàng Đậu cơ bản vẫn giữ được hiện trạng ban đầu, duy có 17 cửa sổ ở phía dưới tầng 1 đã được bịt kín.

Lễ hội Thiết kế Sáng tạo Hà Nội 2023: Khơi dòng di sản văn hóa dọc sông Hồng - Anh 2

 Không gian sáng tạo bên trong Tháp nước Hàng Đậu

Có lẽ ít ai ngờ rằng, công trình sau nhiều năm lặng lẽ lại trở thành gợi ý cho ý tưởng thiết kế sáng tạo độc đáo này. Các kiến trúc sư, chuyên gia cải tạo, tổ chức trưng bày Không gian sắp đặt Nước và Di sản Tháp nước Hàng Đậu. Dự án do KTS Cao Thế Anh, họa sĩ Nguyễn Đức Phương và cộng sự thực hiện, lấy cảm hứng từ lục thủy theo quan niệm Á Đông. Trưng bày mang lại trải nghiệm không gian nghệ thuật mới lạ và sáng tạo với âm thanh, ánh sáng đầy quyến rũ. Trong đó, hệ sắp đặt âm thanh tái hiện lại những âm thanh của nước trong tự nhiên, đưa công chúng tới những chiều không gian tiềm thức, đánh thức mối quan hệ của con người đô thị với môi trường tự nhiên. Hệ sắp đặt ánh sáng mở rộng thị giác về những vỏ bọc đẹp đẽ, các nguyên liệu đều được tái chế bởi rác thải đô thị, nhấn mạnh tác động của đô thị tới môi trường tự nhiên. Các tác giả mong muốn chuyển tải thông điệp về vai trò của nước trong cuộc sống cũng như sự gắn kết giữa con người với tự nhiên. Điều giá trị nhất là trưng bày sẽ giúp công chúng có cơ hội chiêm ngưỡng vẻ đẹp từ bên trong của một công trình kiến trúc đã bị “ngủ quên” nhiều thập kỷ.

Cũng tạo không ít bất ngờ bởi những hình ảnh gây thương nhớ của Hà Nội xưa là ý tưởng trưng bày đầu máy xe lửa hơi nước tại Vườn Nhãn (Long Biên). Từ một nhà máy cũ nằm trong diện di dời ra khỏi nội đô, Nhà máy Xe lửa Gia Lâm và các ga tàu hỏa Hà Nội được cải tạo thành các tổ hợp sáng tạo. Di sản được đánh thức để tạo ra hệ giá trị mới phục vụ phát triển Thủ đô. Đến với trưng bày, người dân và du khách sẽ được nhìn lại một trong những biểu tượng của ngành Đường sắt, nhân chứng đã tham gia vào cuộc chiến tranh chống Mỹ cứu nước.

Trong thời gian ngắn, các phân xưởng Nhà máy Xe lửa Gia Lâm trở thành một không gian với 16 triển lãm kết hợp hiệu ứng thị giác mới lạ, các tác phẩm nghệ thuật đặc sắc như triển lãm “Thuỷ phủ” của họa sĩ Trịnh Minh Tiến, “Tiếng gọi” của họa sĩ Thu Trần, “Chuyển động ngoại biên” của nhóm nghệ sĩ Việt Nam và quốc tế, “Như ta đã từng” của nhiếp ảnh gia Phan Đan - Nguyễn Minh Hoàng, “Quá áp” của nghệ sĩ Vy Trinh... Đặc biệt, lần đầu công chúng được chiêm ngưỡng đầu tàu máy đầu tiên của ngành Đường sắt Việt Nam và những câu chuyện thú vị xung quanh. Hệ sinh thái tại Nhà máy cũng là nguồn cảm hứng khi được các nghệ sĩ trẻ nâng niu trở thành ý tưởng khi trình diễn nghệ thuật Graffiti tại các không gian.

Nhìn thủ đô ngàn năm dưới góc nhìn sáng tạo

Hơn 60 hoạt động văn hóa với 4 công trình kiến trúc hoành tráng, 16 triển lãm, 17 hội thảo - tọa đàm, 109 show nghệ thuật, chuỗi sự kiện cộng đồng và hội chợ sáng tạo, lễ hội xoay quanh chủ đề “Dòng chảy” nhằm kết nối sự sáng tạo và phát huy truyền thống lịch sử văn hóa, hướng tới sự phát triển của ngành công nghiệp văn hóa sáng tạo dọc hai bên bờ sông Hồng. Một cuộc chơi hứng khởi, chất lượng đang thu hút sự tham gia của hàng trăm nhà sáng tạo, nghệ sĩ, đặc biệt là nhiều nghệ sĩ trẻ, hứa hẹn mang lại giá trị trải nghiệm đặc sắc cho công chúng.

Lễ hội Thiết kế Sáng tạo Hà Nội 2023: Khơi dòng di sản văn hóa dọc sông Hồng - Anh 3

 Tháp nước Hàng Đậu sẽ trở thành điểm tham quan nhiều bất ngờ cho du khách

Điểm nhấn thú vị của lễ hội là lần đầu tiên người dân sẽ được tham quan những công trình đã tồn tại hàng trăm năm nay tại Hà Nội dưới một góc nhìn khác, mang đến một trải nghiệm độc đáo, thú vị như “đánh thức” di sản. Bên cạnh tháp nước Hàng Đậu, Nhà máy Xe lửa Gia Lâm thì nhiều di sản, chứng nhân lịch sử như cầu Long Biên, ga Hà Nội, ga Long Biên, ga Gia Lâm… đã được tái thiết kế, thí điểm trở thành những không gian triển lãm kiến trúc nghệ thuật đặc sắc, đặt tiền đề biến di sản công nghiệp trở thành không gian sáng tạo trong thời gian tới. Đặc biệt, chuyến tàu “Hành trình di sản” sẽ là một trải nghiệm đáng nhớ. Tuyến tàu trải nghiệm kết nối hai bên bờ sông Hồng, xuất phát từ nhà ga Hà Nội, đến ga Long Biên, qua cầu Long Biên và kết thúc tại nhà ga Gia Lâm, từ đó khách tham quan đi bộ đến Nhà máy Xe lửa Gia Lâm để tham gia các hoạt động sáng tạo. Triển lãm “Thí điểm kiến trúc và sắp đặt không gian Ga” được thực hiện bởi KTS Đặng Ngọc Tú và cộng sự cũng được diễn ra tại 3 địa điểm: ga Long Biên, ga Gia Lâm, ga Hà Nội. Đây là triển lãm đầu tiên được phối hợp thi công, sắp xếp giữa 3 nhà ga có tuổi đời lịch sử.

BTC cho hay, bên cạnh tuyến tổ chức chính từ tháp nước Hàng Đậu, Cầu Long Biên, Nhà máy Xe lửa Gia Lâm, Bảo tàng Hà Nội,... lễ hội được thực hiện trên diện rộng với các quận, huyện dọc hai bên bờ sông Hồng như Ba Đình, Hoàn Kiếm, Tây Hồ, Long Biên, Mê Linh, Phú Xuyên, Gia Lâm…, là nét mới cho thấy sự lan tỏa của tinh thần sáng tạo. Hưởng ứng trong việc tôn vinh giá trị di sản văn hóa phi vật thể, Liên hoan Nghi lễ và trò chơi Kéo co 2023 bao gồm một chuỗi sự kiện được tổ chức đồng thời từ ngày 17-18.11, với sự tham gia của gần 500 nghệ nhân và người thực hành Nghi lễ và trò chơi Kéo co đến từ Bắc Ninh, Lào Cai, Vĩnh Phúc, TP Hà Nội và TP Dangjin (Hàn Quốc). Không gian Kiến trúc Pavilion Bến chờ là một thiết kế sân khấu tương tác ngoài trời của các nghệ sĩ và công chúng, là nơi diễn ra Chương trình nghệ thuật “Khơi dòng” tại tối khai mạc Lễ hội thiết kế sáng tạo Hà Nội (17.11) cũng là một chương trình được tổ chức với ý tưởng thử nghiệm độc đáo về trình diễn và âm nhạc, kiến trúc.

Lễ hội Thiết kế sáng tạo năm nay đang thu hút đông đảo gương mặt nghệ sĩ tham gia. Người dân Hà Nội cũng sẽ được hòa nhịp không khí lễ hội và trở thành một phần của quá trình sáng tạo các tác phẩm, qua các sự kiện đa dạng và mang tính tương tác cao như: Hoạt động cộng đồng tại khu vực bãi giữa, các cuộc thi thiết kế cộng đồng, sân chơi cộng đồng cho trẻ em từ vật liệu tái chế, cùng 120 nhóm tham gia hội chợ thiết kế thủ công đương đại, trải nghiệm ẩm thực... 

 NGÂN ANH; ảnh: BTC

Ý kiến bạn đọc